top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảGấu Nu Tiệm

Lối Sống Dưỡng Sinh Trong Mùa Xuân

Mùa Xuân, là mùa khởi đầu của bốn mùa trong tự nhiên: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Trong giai đoạn này, vạn vật phục hồi, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi... Dương khí trong vạn vật cũng như trong cơ thể con người từ từ hồi sinh và thăng phát, hân hoan chào đón hơi ấm của mùa xuân sau một thời gian dài liễm tàng dưới tiết trời mùa đông lạnh giá.



Hoạt động sống của con người tuân theo quy luật khách quan của giới tự nhiên: “Xuân Hạ dưỡng dương, Thu Đông dưỡng âm”. Nếu con người nắm vững được quy luật đó, chủ động thực hiện các biện pháp dưỡng sinh cho phù hợp thì sẽ tránh được bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.


“Dưỡng sinh” trong ẩm thực

Theo Y học cổ truyền, thức ăn được phân loại thành năm vị quy vào năm tạng: Vị chua vào Can, vị cay vào Phế, vị ngọt vào Tỳ, vị đắng vào Tâm, vị mặn vào Thận. Trong mùa xuân, khi Can mộc vượng, tránh ăn thức ăn chua để duy trì sự cân bằng giữa Can mộc và Tỳ thổ. Ăn thức ăn có vị cay và ngọt giúp thăng phát dương khí và điều hòa âm dương. Cũng cần tránh thức ăn sống lạnh để bảo vệ dương khí Tỳ Vị.


Đồng thời, ăn uống cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh đúng giờ. Cổ nhân đã khuyên: “Thức ăn dù ngon cũng không nên quá nghiện, nghiện sẽ gây thương tổn mà thành bệnh. Vị (hương vị) dù ghét cũng không thể không ăn, không ăn thì khí tạng sẽ thiếu”.



Nên ăn nhiều rau cỏ tươi, ăn nhiều hoa quả để bổ sung lượng nước cho cơ thể, ăn ít đồ dầu mỡ, tránh làm dương khí tiết ra ngoài, nếu không thì Can mộc thăng phát thái quá, sẽ khắc Tỳ thổ. Còn về thuốc thì có thể chọn các vị giúp Tỳ vị tăng giáng và chức năng sinh hóa, ví dụ như: sa sâm, tây dương sâm, quyết minh tử, bạch cúc hoa, hà thủ ô hoặc bài bổ trung ích khí thang.


Tây dương sâm

“Dưỡng sinh” trong vận động - tập luyện

Các phương pháp tập luyện dưỡng sinh theo Y học cổ truyền đa dạng, bao gồm Thái cực quyền, Dịch cân kinh, khí công, võ thuật, và tản bộ.


Thái cực quyền

Có loại lấy động làm chính, vận động toàn thân nhằm giúp cơ xương khớp được linh hoạt, cân mạch thông suốt, khí huyết lưu thông, điều hòa chức năng tạng phủ, từ đó cơ thể được khỏe mạnh. Có loại lấy tĩnh làm chính, chủ động luyện “ý - khí - hình”, nhấn mạnh rèn luyện tinh thần, từ đó phát huy tác dụng chống lão hóa.


Trong mùa xuân, việc tập những bài dưỡng sinh nhẹ nhàng sau khi thức giấc có thể làm sảng khoái tinh thần. Khi dương khí mới sinh và khí lạnh vẫn còn, cần giữ ấm cơ thể khi tập luyện để tránh cảm mạo phong hàn. Việc giữ ấm sẽ ngăn chặn tà khí xâm nhập, đảm bảo sức khỏe.


“Dưỡng sinh” trong sinh hoạt - nghỉ ngơi

Trải qua mùa đông mặc nhiều quần áo, ở trong nhà kín, nhiệt tà dễ tích tụ trong cơ thể. Khi mùa xuân tới, khí ấm tăng dần, cần dậy sớm hơn, hoạt động bên ngoài nhiều, dùng ít dần đồ ăn thức uống có tính nhiệt, nhưng trọng dụng các thứ cay ấm và dễ phát tán để giúp cho khí dương tích tụ từ bên trong cơ thể dễ dàng phát tán ra bên ngoài.


  Giữ cho tinh thần luôn thư thái, lạc quan, tránh buồn phiền, giận dữ. Thể xác luôn thư giãn gân cốt, khai mở huyệt đạo, giãn nở lỗ chân lông, xõa tóc, nới đai, mặc đồ thoáng rộng, không nên đội mũ quá chật hay buộc tóc quá chặt. Nên đi bách bộ ngoài trời để cho khí dương được tự do vươn trải, đặc biệt chú ý giữ thoáng vùng đầu vì đây là nơi dương khí hội tụ.

“Dưỡng sinh” trong phòng bệnh

Cần đề phòng các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn, vi-rút gây ra các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Theo Y học cổ truyền, mùa xuân hay xuất hiện các chứng bệnh “phong ôn”, “ôn dịch”...


 Đây cũng là lúc các lỗ chân lông và huyệt đạo mở, năng lực chống đỡ hàn tà giảm. Vì vậy, quần áo tuy không mặc nhiều nhưng cần đủ ấm, chú ý vùng lưng và chân; tránh nhiễm lạnh, nhất là lúc sáng sớm và nửa đêm. Nên tùy theo sự thay đổi thời tiết mà điều chính cách ăn mặc, áo quần nên mỏng trên dày dưới.


 Với Y học cổ truyền hay Y học hiện đại, việc phòng bệnh là điều quan trọng nhất để cơ thể luôn trong trạng thái khoẻ mạnh. Việc điều chỉnh lối sống phù hợp với từng điều kiện sống trong năm từ xưa đến nay vẫn luôn được ứng dụng để phòng ngừa bệnh tật một cách hiệu quả. Với lối sống dưỡng sinh phù hợp, cơ thể khoan khoái và đủ sức chống lại các bệnh tật dễ phát sinh trong mỗi mùa của năm.


0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page