top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảGấu Nu Tiệm

Rối loạn kinh nguyệt: Nguyên Nhân và Phương Pháp Chữa Bệnh Theo Đông Y

Đã cập nhật: 9 thg 3

Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng bất thường ở một chu kỳ kinh nguyệt, có thể biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường. Vậy điều gì gây ra rối loạn kinh nguyệt và làm thế nào chúng ta có thể khắc phục hiện tượng này một cách tự nhiên? Hãy cùng Tiệm Gấu Nu tìm hiểu những nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt và cách Đông y đưa ra những bài thuốc tự nhiên mà không tác dụng phụ để cải thiện tình trạng sức khỏe của phụ nữ.


1. Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Người phụ nữ khỏe mạnh thường có chu kỳ kinh nguyệt khoảng 28 ngày một lần, điều này được coi là bình thường. Nhưng khi kinh ra trước kỳ, sau kỳ hoặc không theo định kỳ, lượng kinh quá nhiều hoặc quá ít thì được xem xét là rối loạn kinh nguyệt.


Và cũng có những trường hợp cá biệt là ngay cả khi sức khỏe vẫn ổn định, chu kỳ kinh nguyệt có thể biến đổi đáng kể. Chẳng hạn, nếu một phụ nữ có chu kỳ kinh mỗi hai tháng một  lần thì được gọi là "tinh nguyệt". Chu kỳ kéo dài 3 tháng một lần thì gọi đó là "cư kinh" hoặc "án quý" còn một năm thì đây được  gọi là "tỵ viên".




2. Nguyên nhân của chứng rối loạn kinh nguyệt theo Đông y

Theo Đông y, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như huyết nhiệt, hư nhiệt, hư hàn, khí hư, huyết hư, tỳ hư, can thận hao tổn, huyết ứ, khí uất…

a. Huyết nhiệt: do tiêu thụ nhiều thực phẩm cay nóng, hút thuốc, uống rượu hoặc do khí hậu nóng cảm phải nhiệt tà, nhiệt đọng vào huyết, làm cho huyết đi sai đường dẫn đến kinh nguyệt đến sớm, lượng kinh nhiều.

b. Hư nhiệt: Do chân âm bị thương tổn, suy nghĩ và phòng lao làm động hỏa, do thất tình thương tổn bên trong mà hóa hỏa, làm âm huyết kém, hỏa nhiệt mạnh dẫn đến kỳ kinh đến sớm, nhưng lượng kinh lại ít.

c. Hư hàn: Do dương khí bẩm sinh vốn kém, hàn tà đọng lâu ngày, dương khí bị hư tổn, khí huyết suy kém, cơ năng không mạnh vận hành kém dẫn đến kinh huyết không đúng kỳ, kinh đến muộn mà lượng ít.

d. Khí hư: Do dinh dưỡng không đủ, lao động mệt nhọc dẫn đến chính khí suy kém, mạch xung nhâm kém kiên cố không chế ước được kinh huyết thường kỳ kinh đến sớm mà lượng nhiều.

e. Huyết hư: Do một số bệnh làm xuất huyết dai dẳng, hoặc do sinh đẻ quá nhiều lần, hoặc phòng lao, sảy thai, nạo thai nhiều lần làm hao tổn âm huyết, bể huyết trống không dẫn đến kỳ kinh muộn mà ít.

f. Tỳ hư: Tỳ vị vốn hư yếu không thu nạp và vận hóa được thủy cốc, làm cho nguồn sinh hóa của khí huyết suy kém huyết dịch không đủ mà kỳ kinh đến muộn. Tỳ chủ huyết nếu tỳ hư mà huyết hãm xuống thì kinh lại đến sớm so với chu kỳ kinh nguyệt.

g. Can thận hao tổn: Vì phòng dục không điều độ làm tổn hại mạch xung nhâm làm ảnh hưởng đến can thận. Can hư thì công năng tàng huyết kém, thận hư thì công năng thu nạp kém, do công năng can thận đều kém không điều tiết được nên kỳ kinh muộn mà lượng ít. Nếu lo nghĩ nhiều làm uất tích, khí của tâm tỳ kết lại làm ảnh hưởng đến xung nhâm, thận âm bị tổn hao, do thận âm hao tổn dẫn đến can khí mất điều hòa nên kỳ kinh rối loạn không nhất định.

h. Huyết ứ (thực chứng): Sau khi sinh, hoặc sau kỳ kinh nguyệt huyết đọng lại trong tử cung, làm tắc trệ đường kinh, làm cho kinh ra không đúng kỳ.

i. Khí uất: Lo nghĩ nhiều, hay tức giận tình chí không thoải mái, khí uất nghịch lên làm cho huyết kết lại dẫn đến kinh nguyệt không đều khi sớm khi muộn.


3. Những bài thuốc Đông y chữa rối loạn kinh nguyệt

Dưới đây là những bài thuốc chữa rối loạn kinh nguyệt tùy theo từng thể bệnh:

a. Huyết nhiệt:

Triệu chứng: kinh ra trước kỳ, lượng kinh nhiều, màu đỏ sẫm hoặc tím đen, đặc dính, có lúc ra máu cục, có mùi tanh hôi, sắc mặt đỏ hồng, môi đỏ mà khô, tâm phiền hay giận hờn, sợ nóng thích lạnh, đại tiện bí, tiểu tiện đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch hồng thực hoặc hoạt sác.

Bài thuốc: Cầm liên tứ vật thang gia giảm: xuyên quy 16g, sinh địa 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, hoàng cầm 12g, hoàng liên 4g. Mỗi ngày 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày tùy theo chứng trạng có thể gia một số vị thích hợp.

Nếu trong quá nóng mà kinh ra nhiều thì có thể dùng bài Tiên kỳ thang: sinh địa 16g, đương quy 8g, hoàng bá 8g, tri mẫu 8g, hoàng cầm 8g, hoàng liên 4g, bạch thược 12g, xuyên khung 4g, a giao 12g, ngải diệp (ngải cứu) 4g, hương phụ 12g, chích thảo 3g. Vị a giao khi rót thuốc ra cho vào quấy đều uống. Ngày uống 1 thang. Sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.

b. Hư nhiệt:

Triệu chứng: Kinh ra trước kỳ, lượng ít màu đỏ trong, không có huyết cục. Sắc mặt kém tươi, có khi hai gò má đỏ, xây xẩm, bên trong nóng phiền nhiệt, ngủ kém, tinh thần mệt mỏi. Chất lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi vàng khô, miệng lở loét, mạch tế sác.

Bài thuốc: Địa cốt bì ẩm: đương quy 12g, sinh địa 16g, bạch thược 12g, địa cốt bì 12g, xuyên khung 6g, đan bì 8g. Có thể gia một số vị phù hợp với triệu chứng. Ngày một thang sắc uống 3 lần trong ngày sau khi ăn.

Nếu âm hư nhiều có thể dùng bài Lưỡng địa thang: sinh địa 16g, địa cốt bì 12g, huyền sâm 12g, bạch thược 6g, mạch môn 8g, a giao 12g.

Ngày 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, liều lượng có thể gia giảm tùy chứng và cơ địa của bệnh nhân.

c. Can thận hao tổn

Triệu chứng: Kỳ kinh đến muộn, lượng kinh ít màu huyết nhạt, sau một thời gian dẫn đến bế kinh.

Bài thuốc: “Qui thận hoàn”. thục địa 26 g, đỗ trọng, hoài sơn, cẩu kỷ tử, thỏ ty tử, phục linh đều 12 g, đương qui, sơn thù 8 gam. Cách dùng: Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.


Những bài thuốc Đông Y mà Tiệm Gấu Nu chia sẻ chỉ mang tính chất tham khảo với hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về rối loạn kinh nguyệt và những nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Điều quan trọng là chúng ta hãy tập trung vào sức khỏe cá nhân, duy trì một lối sống lành mạnh, giữ cho tâm hồn luôn thoải mái và lạc quan. Bằng cách này, chu kỳ kinh nguyệt  mới có thể duy trì đều đặn được.





0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page